Thursday, November 26, 2009

Thép Đen Đặng Chí Bình




LỜI KẾT

Thoảng nghe “phôn” réo bên tai,
Giật mình

tưởng kẻng sớm mai nhà tù

Hình ảnh những bộ xương còn di động trên chốn lao trường, những nấm mồ hoang lạnh giữa rừng sâu, dư âm những tiếng thở dài lê thê xen lẫn những tiếng rên siết quằn quại trong đêm dài tăm tối… và những cặp mắt khát khao nhắn nhủ ngày tôi chia tay, vẫn lảng vảng vấn vít trong hồn; tất cả như đang khẩn nài, gào thét, đòi hỏi tôi phải thực hiện “Bản di chúc sống của họ“.

Đó là mấy dòng trích đoạn LỜI TÂM SỰ khi tôi bắt đầu viết và in Thép Đen I. Bây giờ tôi đã viết xong tập IV, coi như kết thúc cuộc hành trình gian khổ, chiếm trọn giai đoạn thanh xuân nhất của đời tôi. Từ khi bắt đầu viết Thép Đen I, đến hết Thép Đen IV, thời gian là 20 năm. Có giai đoạn hàng chục năm, tôi cầm bút lên rồi lại hạ bút xuống, làm hết quyết tâm này đến quyết tâm khác, hết bạn bè thúc đẩy cho đến giao kèo với con cái…

Bây giờ tôi như cất được một gánh nặng cuộc đời, gánh nặng trách nhiệm đối với quê hương, với bạn bè mà phần lớn đã nằm xuống lòng đất lạnh, chìm dần trong quên lãng. Tôi cũng thấy trang trải được món nợ với các thế hệ con cháu, ghi lại cho chúng về một giai đoạn, một hệ quả thương đau đến tận cùng nhân tính và nhân phẩm do chủ nghĩa Cộng Sản gây ra.

Tuy vậy, giữa đống xương khô, sình lầy máu mủ đó, tôi đă nhặt ra một viên ngọc quý.

Trong cuộc sống, mỗi khi tôi gặp khó khăn trở ngại, buồn nản, tưởng không thể vượt qua, nghĩ lại 6 năm dài cơ cực, quằn quại đói rét, cùm khóa ở xà lim Hoả Lò Hà Nội, như có một nguồn sinh lực thần kỳ đã nâng cao ý chí chịu đựng của tôi, nỗ lực vượt lên. Tôi lại lạc quan yêu thương đời như mọi người.

Quả vậy, ngay trong sinh hoạt bình thường, tôi nằm, tôi muốn để chân ở đâu thì để, đâu có phải đút chân vào cái cùm hộp sắt, trở mình cũng đau buốt khó khăn. Đầu tôi, đâu có phải chui vào cái túi vải, khâu bằng giẻ chùi của các bà cán bộ trong nhà cầu, mỗi đêm để chống muỗi? Ngứa chỗ nào, tự do gãi chỗ ấy, muốn đi tiểu, đi tiêu , tôi bò nhổm dậy vào nhà xí, đâu phải vặn vẹo người, nghiến răng buốt nhói, ngồi trên cái “bô” rỉ, đưa lên sàn “ciment” mình nằm?

Hơn nữa, nỗi buồn, niềm đau cay chua nghiệt ngã lại là chất men, nước mầu rắc tưới cho cuộc sống, như cánh sen ngát hương thơm trong chiếc ao đời.

Sau hết, tập hồi ký Thép Đen đă quấn cuộn hết cuộc đời, ngấm thẩm cả hồn tôi, vào từng trang sách.

Đặng Chí Bình


TẤM HÌNH KỲ DIỆU CỦA ĐỜI

Một đêm 6/1972, tại K3 trại Trung Ương số 1 phố Lu, Lào Cai, bốn người này ngồi ủ rũ, tâm tư mỗi người trăn trở vơi đầy của những kiếp tù khác nhau. Nhưng có một cái chung là đều nghĩ chẳng bao giờ được về sống ngoài xã hội như mọi người. Lầu Chí Chăn (người nhái) đã phát biểu: Uớc gì khi chúng mình chết, được chết no!


Hình này chụp ngày 6/3/2005. Sau 33 năm, với bao nhiêu đổi thay, chìm nổi của quê hương, cuộc đời và thế giới, 4 người này lại ngồi với nhau tại Westminster, CA.

Xin vài phút lắng đọng, suy tư để thấy cái kỳ diệu của kiếp người (ngay ở xứ Hoa Kỳ, mỗi người ở mỗi nơi. TG ở mãi bên bờ Đại Tây Dương)

Tác giả ngồi đối diện với Nông Văn Hinh, Lầu Chí Chăn ngồi sau TG, đối diện với Lưu Nghĩa Hưng. Nhắc chuyện xưa, Chăn lại phát biểu: Bây giờ, chúng ta lại sợ chết no!

VÀI HÌNH ẢNH KỶ NIỆM